4 ‌loại‌ ‌trái‌ cây đặc sản ‌của ‌Huế‌ ‌nhất định phải‌ ‌ăn‌ thử một lần

Photo of author
Yến Nhi (ĐH Ngoại Ngữ Huế)

#1. Vả – đặc sản ẩm thực cố đô Huế

Ở Huế, vả được trồng nhiều ở trong khu vực các ngôi chùa, các nhà miệt vườn Kim Long, Nguyệt Biều…Cây vả dễ trồng, ít cần phân bón và công chăm sóc. Gốc vả rất lớn, cành tỏa rộng che bóng mát cả một khoảng vườn. Lá vả to như lá sen, tán rộng. Trái vả mọc theo thân, cành cây, mọc thành từng chùm, mỗi chùm có hơn cả chục trái xanh tươi, mỗi trái lớn bằng nắm tay, trái vả tròn dẹt, vỏ màu xanh lục có lông tơ mịn màng. Quả vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá. Quả vả khi còn non có vỏ màu xanh, lông mịn. Bên trong quả có lớp cơm màu trắng – đó là phần được dùng để chế biến thức ăn. Ở Huế, vả được chế biến thành nhiều món ngon như: vả trộn hến, vả trộn tôm xúc bánh đa, những món ngon dân dã này được nhiều du khách ưa chuộng.

Mùa vả kéo dài từ tháng 12 năm trước tới tháng 7 năm sau. Các thời gian khác trong năm cây vẫn cho trái rải rác. Ngoài ra, trái vả còn làm được nhiều món ăn như vả trộn, vả chấm ruốc, vả hầm sườn non, vả hầm giò heo……Để chế biến các món ăn từ trái vả, người chế biến chọn những trái không quá già, dầm với nước pha một ít muối, vài giọt chanh cho bớt vị chát..

Theo đông y, quả vả có vị ngọt, có thể chữa được bệnh táo bón, kiết lỵ, trĩ, điều hòa ruột, lợi tiểu, tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ và ít năng lượng.

Không chỉ chế biến trái vả thành một đặc sản ẩm thực với nhiều món ăn hấp dẫn du khách, ở Huế còn có một số cơ sở chế biến quả vả thành loại trà độc đáo, đó là trà vả. Trà vả không dùng hương liệu, phụ gia, chất bảo quản (có thể uống kèm với đường phèn, đường cát). Nhiều món ăn được chế biến từ trái vả đã trở thành đặc sản ẩm thực đất cố đô.

cay-va-min
Nguồn: thuocdantoc.org

#2. Dâu Tiên xứ Truồi

Xuôi về phía Đông Nam thành phố Huế, nằm bên con sông Truồi cho nước ngọt quanh năm, Làng Truồi thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đây được con sông Truồi bồi đắp phù sa nên cây trái rất phát triển. Và trong đó có một loại quả rất đặc biệt: Dâu Tiên hay còn gọi là dâu Truồi.

Tháng năm, tháng sáu, khi tiếng ve gọi hè vang rền khắp nơi cũng là lúc các nhà vườn xứ Truồi bước vào vụ thu hoạch. Thời điểm này, những vườn dâu trong làng đều sai cành, trĩu quả. Những cành dâu khin khít trái, trái buông xuống đeo bám quanh thân cây, quả nào cũng tròn trĩnh. Quả dâu ở Truồi chỉ to bằng đầu ngón tay cái của người lớn. Ấy vậy mà cái vị ngọt thanh từ múi dâu trắng đục, mọng nước, hạt dẹp khiến người ăn nhớ mãi. Nếu là người “sành” ăn dâu thì sẽ biết chọn những trái dâu có chấm son. Trong một chùm dâu xanh pha sắc hồng, trái nào có chấm son thì ăn rất ngọt. Điều đặc biệt là dâu Truồi luôn có vỏ ngoài màu xanh dù bên trong đã chín. Khi ăn, thực khách chỉ cần bóc vỏ nhẹ nhàng sẽ lộ ra phần múi dâu mọng nước. Dâu có vị ngọt thanh, mới ăn có thể thấy chua nhưng khi ngấm dần mới cảm nhận được độ ngọt của nó.

Điều đáng lưu ý, dâu Truồi không đơn thuần như những loại trái cây khác, mà gắn bó với người dân xứ Truồi xưa nay. Quả dâu thường được dùng làm quà để đi thăm người thân ở xa, học trò trong xứ cũng thường dùng dâu để biếu thầy cô giáo dịp hè. Ngoài ra, quả dâu còn là lễ vật cúng gia tiên của người dân xứ Truồi trong dịp tết Đoan Ngọ. Điều đặc biệt nữa là nếu dịp lễ ăn hỏi của nhà trai và nhà gái trúng vào mùa dâu chín thì quả dâu sẽ được chọn làm lễ vật với ý nghĩa độc đáo. Nếu nhà trai ở làng Truồi đi hỏi vợ làng khác thì người ta mang theo lễ vật, trong đó có một khay dâu chín để biếu nhà gái, với mong muốn chọn được cô dâu hiền thảo. Nếu như nhà trai ở nơi khác tới làng Truồi hỏi vợ thì nhà gái chọn những quả dâu có chấm son để mời họ hàng nhà trai với ý nghĩa chọn những quả ngon nhất để mời khách. Ấy vậy nên trong dân gian hiện vẫn còn truyền tụng câu ca: Năm xưa thầy mẹ bảo em/Chọn mua lấy quả dâu tiên xứ Truồi/ Để nhà anh tới chịu lời. Dâu Truồi đã đi vào đời sống tinh thần của người dân xứ Truồi như thế nên ai xa quê cũng nhớ vị dâu Truồi.

02-4383-1528983067-min
Nguồn: Võ Thạnh

#3. Thanh trà Thủy Biều

Nói đến các loại trái cây đặc sản của Huế, không thể không nhắc đến Thanh Trà. Một loại quả mà từ xa xưa đã được lựa chọn làm sản vật tiến vua. Thanh Trà được trồng rất nhiều trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng nổi tiếng thơm ngon nức tiếng là loại Thanh Trà Thủy Biều.Thanh Trà chỉ ra quả duy nhất một mùa trong năm, vào tầm đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 âm lịch. Lúc này, các quả Thanh Trà trên khắp Huế bắt đầu chín mọng, tỏa hương dịu dàng thanh mát.

Thanh Trà giống quả bưởi nhưng nhỏ hơn và ít nước hơn. So về độ ngon ngọt và thanh mát, thì không loại quả nào có thể sánh được giống Thanh trà ở Huế. Có lẽ nhờ sự dung hòa của trời đất, sự bồi tụ và nguồn nước mát lành của con sông Hương đã tạo cho quả Thanh Trà xứ Huế một vị ngọt thanh, mát dịu.

Đặc sắc nhất là món thanh trà trộn mực khô, còn gọi là gỏi thanh trà, cách làm đơn giản, chế biến gọn nhẹ nhưng vị ngon thì rất độc đáo khiến người đã ăn, biết ăn muốn được ăn thêm nhiều lần nữa…Đến mùa thanh trà, trong thực đơn của các khách sạn sang trọng, các tiệm ăn và cả những quán ven đường bình dân đều có món thanh trà trộn mực khô, độ ngon tùy vào giá tiền, cụ thể là tiền nào của nấy. Tuyệt vời nhất là thanh trà loại 1, mực khô loại 1, nước mắm loại 1… và cứ thế thế, với thanh trà, mực, nước mắm loại 2 thì ít ngon hơn, rẻ tiền hơn. Giá cả của mỗi dĩa thanh trà trộn mực khô, còn tùy thuộc vào độ sang hèn của nơi ăn chốn ở, tại khách sạn và quán bình dân – là cả một sự chênh lệch đáng kể.

thanh-tra-3-15991894139341796136151-min
Nguồn: reatimes.vn

#4. Quýt Hương Cần – đặc sản tiến vua

Hương Toàn vào một ngày Xuân nắng vàng như mật trải dài trên dòng sông, làng mạc của một miền quê yên ả. Nơi đây, “làng quýt” Giáp Kiền nép mình bên sông Bồ đang tỏa hương thơm ngát bên những hàng cau, khóm chuối…Hương Cần, làng quê ở cửa ngõ phía Bắc kinh thành Huế. Nằm gần sát Quốc lộ 1A, Hương Cần nổi tiếng cả nước bởi một thứ trái cây đặc sản tiến vua xưa.

Theo các bậc cao niên, làng Hương Cần xưa gồm 5 Giáp, Giáp nào cũng trồng quýt, nhưng nổi tiếng và ngon thơm hơn cả là quýt Giáp Kiền – một dải đất phù sa nằm sát ngay lưu vực sông Bồ. Nếu đến Giáp Kiền vào mùa Xuân, bạn sẽ được tận hưởng một không gian nồng nàn hương hoa quýt, tinh khiết, dịu dàng, đằm thắm như vẻ đẹp tinh khôi của thiếu nữ Hương Cần.

Cây quýt ưa khí hậu nóng, ẩm, nhiều ánh sáng, có rất nhiều nơi trồng quýt nhưng quýt Hương Cần nổi tiếng nhờ được trồng trên đất phù sa của sông Bồ. Điều đáng chú ý ở Hương Cần là giống cây không bị thoái hóa sau nhiều năm do người làm vườn ở đây thường dùng phương pháp chiết cành để nhân giống giúp cho cây trồng mới vừa phát triển nhanh vừa chống được thoái hóa không như nhiều loại cây trồng cam quýt khác.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa nguồn gen quýt Hương Cần vào danh mục những gen quý hiếm cần bảo tồn, nhằm bảo tồn nguồn gen để phục vụ cho khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ gen cây trồng. Tỉnh phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện Đề tài “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm nano bạc có bổ sung chitosan nhằm ứng dụng bảo quản quả quýt Hương Cần tại Thừa Thiên-Huế” nhằm bảo quản quýt bằng công nghệ cao là giải pháp đột phá, kéo dài thời gian sử dụng, nâng cao giá trị sử dụng và tăng thu nhập cho người nông dân.

1024px-Chum_quyt-min
Nguồn: Thaotran56

Yến Nhi